Vào những ngày hanh khô hay máy lạnh khiến độ ẩm trong phòng giảm, máy tạo độ ẩm sẽ là cứu tinh giúp bạn bảo vệ làn da mềm mại và sức khỏe hệ hô hấp. Bạn có biết cách chọn loại máy tạo độ ẩm phù hợp nhất cho mình?
Máy tạo độ ẩm giúp bạn bổ sung độ ẩm cho không khí để tránh tình trạng da khô và bị kích ứng nên có thể rất hiệu quả trong việc điều trị khô da, mũi, họng và môi. Loại máy này cũng có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng do cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng máy tạo độ ẩm có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề hô hấp. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các loại máy tạo độ ẩm không khí, công dụng và cách dùng ra sao nhé!
Các loại máy tạo độ ẩm
Máy tạo độ ẩm không khí rất đa dạng về mẫu mã và mỗi loại máy đều có cách hoạt động khác nhau.
• Máy tạo độ ẩm phun sương (máy phun sương tạo độ ẩm): Máy phun sương tạo độ ẩm dùng quạt để thổi hơi nước đi qua một bộ lọc rồi khuếch tán vào không khí. Loại máy này tuy giá cả phải chăng nhưng lại có thể phát tán quá nhiều độ ẩm vào không khí, làm tăng khả năng phát triển nấm mốc ảnh hưởng tới người bệnh hen suyễn.
• Máy tạo độ ẩm cánh quạt: Máy tạo độ ẩm cánh quạt hoạt động với sự trợ giúp của các đĩa quay chạy ở tốc độ cao để khuếch tán hơi nước. Đây là loại máy thân thiện với trẻ em nhất vì máy tạo ra hơi ẩm mát mẻ, tránh nguy cơ bị bỏng cho bé. Tuy nhiên, máy tạo độ ẩm cánh quạt có khả năng gây khó thở cho những người bị dị ứng và hen suyễn nếu sử dụng quá mức.
• Máy tạo độ ẩm hơi nước: Máy tạo độ ẩm hơi nước dùng điện làm nóng nước để tạo hơi nước. Sau đó hơi nước được làm mát trước khi khuếch tán vào không khí. Do cơ chế hoạt động này, máy tạo độ ẩm hơi nước có thể gây bỏng và không an toàn cho trẻ em.
• Máy tạo độ ẩm siêu âm: Máy tạo độ ẩm siêu âm tạo ra hơi ẩm mát bằng cách rung sóng siêu âm. Loại máy này cũng cho phép bạn điều chỉnh nhiệt độ của hơi nước nếu muốn. Đây có thể là một lựa chọn thích hợp nếu nhà bạn có trẻ em.
Tác dụng của máy tạo độ ẩm
Khi thấy không khí xung quanh quá khô khiến da và mũi khó chịu, bạn có thể bật máy tạo độ ẩm lên để tận hưởng các lợi ích sau.
1. Máy tạo độ ẩm giúp ngừa cúm
Một nghiên cứu cho rằng máy tạo độ ẩm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm. Sau khi đưa virus cúm vào không khí, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng không khí có độ ẩm trên 40% đã ngăn chặn hoạt động của virus nhanh chóng. Điều này sẽ khiến virus ít có khả năng lây nhiễm hơn, từ đó giúp bạn ngăn ngừa bệnh cúm.
2. Máy tạo độ ẩm giúp loại bỏ đờm
Không khí khô có thể khiến bạn ho khan mà không đẩy được đờm dính trong cổ ra ngoài. Bạn có thể thêm độ ẩm vào không khí để làm ẩm hệ hô hấp, từ đó đẩy đờm ra ngoài dễ dàng hơn khi ho.
3. Máy tạo độ ẩm giúp giảm ngáy
Tình trạng tăng độ ẩm trong không khí cũng có thể giúp bạn giảm ngáy khi ngủ. Nếu không khí khô, đường thở của bạn thường không đủ ẩm và điều này có thể làm cho chứng ngáy nặng hơn. Vậy nên, bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm không khí vào ban đêm để giảm ngáy.
4. Máy tạo độ ẩm giữ ẩm cho da và tóc
Da, môi và tóc thường trở nên khô và dễ tổn thương hơn khi trời lạnh. Không khí lạnh sẽ khiến da dễ khô, ngứa và tróc vẩy. Bạn có thể tăng thêm độ ẩm cho không khí trong nhà để cải thiện tình trạng da khô và nứt nẻ.
5. Máy tạo độ ẩm giảm dị ứng và hen suyễn
Sử dụng máy tạo độ ẩm đúng cách cũng có thể giúp bạn giảm các triệu chứng dị ứng và hen suyễn rất tốt. Vậy nên, bạn có thể cân nhắc dùng loại máy này nếu thấy xoang hay đường thở bị khô.
Máy tạo độ ẩm có thể thêm hơi nước cho không khí rất tốt nhưng cũng mang đến một số tác dụng phụ nếu bạn dùng không đúng cách.
Các tác dụng phụ của máy tạo độ ẩm có thể kể đến như:
• Máy tạo độ ẩm có thể chứa vi khuẩn: Máy tạo độ ẩm biến nước thành hơi ẩm trong không khí bạn hít thở. Nếu lượng nước trong thiết bị bẩn, hơi ẩm máy khuếch tán cũng sẽ bị bẩn. Hơn nữa, khoang chứa nước tối và ẩm nên là môi trường dễ tích tụ vi khuẩn. Thế nhưng, bạn có thể vệ sinh máy thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ này.
Bạn lưu ý luôn vệ sinh máy tạo độ ẩm kỹ lưỡng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và thay nước trong máy thường xuyên. Nếu máy tạo độ ẩm có bộ lọc, bạn hãy thay bộ lọc thường xuyên.
• Mấy tạo độ ẩm khuếch tán quá nhiều hơi nước: Tuy không khí có độ ẩm là tốt nhưng quá nhiều độ ẩm có thể khiến bạn khó thở và làm một số triệu chứng dị ứng tồi tệ hơn. Các tác nhân gây dị ứng phổ biến như ve, bụi và nấm mốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong môi trường ẩm. Theo Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), độ ẩm trong nhà chỉ nên nằm trong khoảng từ 30 đến 50%. Độ ẩm trên 60% là quá cao.
Bạn có thể mua thêm máy đo độ ẩm để kiểm tra xem độ ẩm trong nhà có nằm trong khoảng lý tưởng không. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua máy tạo độ ẩm có tích hợp ẩm kế để tiện lợi hơn.
• Sử dụng nước không sạch trong máy tạo độ ẩm: Bạn chỉ nên sử dụng nước tinh khiết hoặc nước cất trong máy tạo độ ẩm vì nước máy chưa được lọc qua có thể chứa nhiều khoáng chất. Khoáng chất từ nước máy có thể tích tụ trong máy tạo độ ẩm, khiến máy bị mòn nhanh. Ngoài ra, máy cũng có thể khuếch tán các khoáng chất này vào không khí hay khiến các khoáng chất lắng thành bụi trong nhà và gây ảnh hưởng sức khỏe cho bạn.
Một số rủi ro khác liên quan đến việc sử dụng máy tạo độ ẩm không khí bao gồm bỏng hơi nước từ máy và nấm mốc tích tụ ở những nơi nhiều độ ẩm trên tường và trần nhà.
Cách dùng máy tạo độ ẩm
Khi bạn đã chọn mua được máy tạo độ ẩm không khí mình muốn, hãy thực hiện các bước sau để bắt đầu dùng máy:
– Tháo và rửa khoang chứa nước để loại bỏ bụi bẩn trước khi dùng.
– Đổ nước tinh khiết hay nước cất vào khoang chứa nước của máy. Thường thì trên khoang chứa nước có các vạch số cho bạn biết mình nên đổ bao nhiêu nước. Bạn hãy đổ đúng số nước cần thiết này.
– Lắp màng lọc nếu cần.
– Cắm điện và khởi động máy. Trên máy thường nó một số nút bấm hay núm vặn để bạn điều chỉnh, bạn hãy đọc hướng dẫn sử dụng để biết cách điều chỉnh theo ý muốn.
– Tắt máy khi không dùng.
Khi sử dụng thiết bị, bạn hãy lưu ý những điểm sau:
- Tránh ngồi quá gần máy.
- Vệ sinh máy thường xuyên.
- Thay nước trong máy thường xuyên.
- Đặt máy ở nơi bằng phẳng và cao ráo.
- Thay bộ lọc trong máy theo hướng dẫn.
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Thận trọng khi sử dụng máy trong phòng có trẻ em.
- Chỉ sử dụng nước cất hoặc nước tinh khiết không chứa khoáng chất trong máy.
- Luôn theo dõi mức độ ẩm trong phòng để kịp thời điều chỉnh khi độ ẩm quá cao.
- Không đặt máy gần tường cũng như các vật dễ ngấm nước như sách, quần áo hay màn cửa.
Khi thời tiết quá khô hoặc nếu bạn bật máy lạnh trong phòng, không khí sẽ bị thiếu độ ẩm và gây ảnh hưởng lên da, tóc và hệ hô hấp rất nhiều. Vì thế, quyết định trang bị một máy tạo độ ẩm không khí trong nhà sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn!
Như Vũ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét