Dịp cuối tuần mẹ hãy trổ tài nấu những món cháo ngon cho cả nhà thưởng thức nhé!
ảnh minh họa
Cháo trai
Nguyên liệu:
Con trai: 1kg
Gạo nếp: 50gr
Gạo tẻ: 50gr
Đậu xanh: 50gr
Hành khô, gừng, hành hoa, rau răm
Hạt tiêu, hạt nêm, gia vị, mắm
Cách thực hiện:
Bước 1: Trai mua về đem ngâm nước có cắt vài lát ớt để trai nhả sạch bùn đất, sau đó đem cọ rửa sạch vỏ trai.
Bước 2: Ngâm chung gạo nếp, gạo tẻ và đậu xanh với nước trong vòng 5-6 tiếng cho gạo và đậu nở mềm. Bước 3: Cho trai vào nồi, thêm 1 bát tô nước luộc cho đến khi trai há miệng. Gạn lấy phần nước luộc trai để cho lắng cặn.
Bước 4: Gạo và đậu xanh sau khi ngâm đem đãi sạch, rồi cho vào máy xay, xay vỡ làm 3-4. Cho đậu và gạo đã xay nhỏ vào nồi cơm điện, đổ nước luộc trai vào rồi chế thêm chút nước sao cho vừa đủ.
Bước 5: Đậy nắp nồi cơm điện lại, ấn nút nấu rồi nấu sôi cháo, sau đó ấn nồi lên nút ủ. Khoảng 10-15 phút lại ấn xuống nút nấu, nấu sôi rồi lại ấn lên nút ủ. Làm lặp đi lặp lại vài lần cho gạo và đậu chín mềm nhuyễn và cháo đặc lại. Khi cháo chín, bạn tiến hành nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng.
Bước 6: Trong lúc nấu cháo thì nhặt bỏ vỏ trai, lấy phần ruột. Nặn bỏ phần phân đen của trai rồi đem ruột trai rửa lại với nước cho thật sạch.
Bước 7: Đem thái nhỏ ruột trai sao cho vừa ăn.
Bước 8: Phi thơm hành khô và gừng, cho ruột trai vào xào. Nêm chút mắm và hạt nêm cho vừa miệng, đảo đều nhanh tay cho ruột trai ngấm gia vị rồi tắt bếp.
Bước 9: Múc cháo ra bát, thêm hành hoa và rau răm thái nhỏ cùng với 1 ít ruột trai cho lên trên. Khi ăn thì trộn đều và rắc thêm chút hạt tiêu hoặc bột ớt.
Cháo sườn
Nguyên liệu:
- 600 g sườn non.
- 400 g gạo tẻ thơm.
- Nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu, bột đao, dầu thực vật.
Cách làm:
- Sườn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, cho vào nồi đổ ngập nước, đun sôi. Mở vung nồi sườn, vớt hết bọt để nước ninh xương được trong. Đậy vung, vặn nhỏ lửa ninh khoảng 1 giờ. Lấy sườn ra để nguội, gỡ lấy thịt nạc, tẩm ướp với chút nước mắm.
- Cho một chút dầu thực vật vào đun nóng, cho thịt vào xào qua, xúc ra bát để riêng.
- Gạo tẻ đem xay thành bột khô, mịn (hoặc xay bột nước) hòa với nước ninh xương cho lên bếp nấu. Vừa nấu vừa khuấy đều tay, cho thịt sườn vào nấu cùng, nếu bột đặc có thể pha thêm nước lã sao cho cháo mượt, không bị loãng là được. Để nồi cháo sôi một lúc, cho 2 thìa nhỏ bột đao pha với chút nước vào khuấy đều, nêm bột ngọt, mắm cho vừa. Vặn nhỏ lửa nấu thêm khoảng 30 phút, cho cháo sánh.
Cháo vịt
Nguyên liệu nấu cháo vịt
- Vịt cỏ hoặc vịt cỏ Vân Đình: 1 con (Nên chọn loại vịt cỏ, nhỏ con nhưng thịt chắc, như vậy khi nấu ăn sẽ ngọt, dai thơm hơn).
- Gạo nếp trộn với gảo tẻ: 1 bát nhỏ
- Tỏi: 6 củ
- Hành tím: 8 củ
- Ớt trái
- Gừng tươi: 1 nhánh- Rau ăn kèm: Tía tô, hành lá, húng quế, ngò gai, rau mùi.
- Gia vị: Muối, tiêu, nước mắm, mì chính, dầu ăn.
Cách nấu cháo vịt ngon
Bước 1: Luộc vịt
- Vịt mua về thì làm sạch lông, lấy nội tạng, rửa cho thật sạch với muối. Sau đó nên dùng thêm gừng với rượu trắng để khử mùi tanh của vịt.
- Nướng thơm một củ hành lên, gừng tươi gọt vỏ rồi đập dập.
- Cho vịt cùng với hành nướng, gừng và chút muối vào nồi để luộc vịt.
- Sau khi vịt luộc chín thì vớt ra ngoài.
- Khi luộc vịt: Chỉ cần đổ cho nước ngập hết con vịt là được. Hớt bọt thường xuyên để nước được trong hơn.
Bước 2: Nấu cháo
- Gạo vo sạch, để cho ráo nước. Sau đó, cho vào chảo rang sơ đến khi hạt gạo hơi vàng và săn lại.
- Đổ gạo vào nồi nước luộc vịt và ninh cho nhừ. Trong quá trình nấu, nếu thiếu nước thì bạn thêm nước vào cho cháu có độ loãng phù hợp với sở thích.
Bước 3: Chuẩn bị đồ ăn kèm với cháo
- Vịt đã luộc chín đem chặt ra thành từng miếng vừa ăn rồi xếp lên đĩa.
- Rửa sạch các loại rau ăn kèm và xắt nhỏ.
- Pha nước nắm tỏi: Khi pha, cho tỏi ớt băm, gừng thái sợi nhỏ vào chén nước mắm: đường tỉ lệ 1:2 và cho thêm chút nước lọc. Gia giảm sao cho vừa chấm. Vắt thêm chút nước cốt chanh để nước chấm thơm và dịu hơn.
- Đối với hành khô còn dư thì lột sạch vỏ, thái mỏng và cho vào chảo dầu để phi lên cho vàng thơm.
Bước 4: Thưởng thức
- Sau khi cháo nhừ, bạn tiến hành nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.
- Múc cháo ra tô, rắc thêm rau thơm lên trên, hút hạt tiêu xay. Nếu thích thì có thể cho thịt vào cháo để ăn cùng, còn không thì ăn kèm chấm với nước mắm vừa pha.
Món cháo vô cùng hoàn hảo với miếng thịt vịt được luộc chín vừa, không quá dai nhưng không bị bở quá; cháo được ninh nhừ, như tan ra khi vừa cho vào miệng. Các loại rau ăn kèm, hành phi và nước chấm vịt khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn.